Các xu hướng phát triển công nghệ thời hiện đại

Tìm kiếm Tìm kiếm
Mua hàng0 Mua hàng
Báo giá Báo giá
Các xu hướng phát triển công nghệ thời hiện đại
23/06/2023 11:13 AM 379 Lượt xem

    Xung đột quân sự Nga- Ukraine hơn một năm qua đã diễn ra như những cuộc thử nghiệm quân sự quy mô toàn cầu về các dòng vũ khí hiện đại, thúc đẩy xu hướng tăng cường phát triển công nghệ chế tạo các loại vũ khí, trang, thiết bị quân sự hiện đại, hiệu quả cao, áp đảo trên chiến trường.

    Robot quân sự

    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhiều nước có nền khoa học - công nghệ quân sự phát triển tích cực nghiên cứu chế tạo các loại robot quân sự, góp phần bảo vệ người lính, tăng hiệu quả tác chiến trên chiến trường. Trong đó, tập trung phát triển các loại robot chiến đấu, robot tình báo, trinh sát và giám sát (ISR), robot vận tải chiến thuật. Các loại robot này được mô-đun hóa, đa nhiệm, có khả năng chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, rà phá bom mìn, dọn đường, vận tải, bảo vệ căn cứ và lực lượng… Giai đoạn tới, robot quân sự sẽ phát triển theo hướng được trang bị cảm biến tối tân, với nhiều khả năng, như: hoạt động liên tục 24/7, quan sát từ mọi góc độ, nhận biết và xử lý thông tin tức thì, v.v. Theo dự báo, thị trường robot quân sự ​​sẽ đạt 24,2 tỷ USD vào năm 2025.

    Hiện nay, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này với 20 chương trình robot quân sự đang được triển khai. Tính riêng trong năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ chi 7,5 tỷ USD cho các nền tảng và công nghệ robot. Lục quân Mỹ triển khai robot trinh sát PackBot 510, có khả năng dò tìm các loại bom, mìn; di chuyển được trên nhiều loại địa hình và quan sát ở mọi ngóc ngách. Ngoài ra, Quân đội Mỹ sử dụng chó robot do hãng Ghost Robotics sản xuất, làm nhiệm vụ tuần tra tại các khu vực trọng điểm như biên giới Mỹ - Mexico, căn cứ Không quân Tyndall, sân bay quốc tế Portland... Robot này có thể leo cầu thang, lặn sâu gần 2m, tự đứng dậy khi bị ngã và vừa được nâng cấp thêm phiên bản có vũ trang.

    Robot quân sự 4 chân chạy bằng điện

    Quân đội Nga cũng chú trọng phát triển các loại robot chiến đấu, nổi bật là MRK-27-BT được trang bị hệ thống vũ khí, hệ thống điều khiển từ xa tiên tiến, có thể tấn công tiêu diệt công sự và xe tăng đối phương. Đặc biệt, Nga còn có robot chiến đấu hiện đại Uran-9, tích hợp 10 tên lửa (4 tên lửa chống tăng 9S120 Ataka và 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets, mỗi hệ thống được lắp 3 tên lửa 9K33 Igla); pháo tự động 30mm 2A72; súng máy 7,62mm…

    Máy bay không người lái UAV cũng có thể coi là Robot không gian, gần đây nó được quân đội Nga và Ukraine sử dụng làm thay đổi cục diện, khuynh đảo chiến trường Ukraine với các mục tiêu tấn công hủy diệt.

    Công nghệ siêu thanh

    Công nghệ siêu thanh đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ, trọng tâm là các loại tên lửa siêu thanh có thể di chuyển với vận tốc Mach 5 (hơn 6.195 km/h, gấp 5 lần vận tốc âm thanh); cơ động trong không trung, gần như không thể bị theo dõi bởi các hệ thống phòng thủ hiện đại. Hiện nay, Nga, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua phát triển các loại tên lửa siêu thanh tầm xa, gồm cả tên lửa tấn công lẫn các hệ thống phòng thủ tên lửa.

    Nga hiện là cường quốc số một thế giới về phát triển công nghệ này, với các sản phẩm tiêu biểu như tên lửa hành trình siêu thanh Zircon, Kinzhal, tên lửa Brahmos (hợp tác với Ấn Độ). Ngoài ra, còn có phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard có thể di chuyển với tốc độ Mach 27 (khoảng 33.000 km/h). Đây là phương tiện siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới, sử dụng vật liệu chịu nhiệt lên tới hơn 2.000oC. Avangard đóng vai trò như đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể tấn công hầu hết các mục tiêu trên thế giới, dễ dàng xuyên qua lá chắn phòng thủ tên lửa của đối phương.

    Các nước chạy đua công nghệ siêu thanh

    Trung Quốc cũng tích cực chạy đua phát triển công nghệ này khi vừa công bố loại vũ khí bội siêu thanh mới được phóng từ máy bay, đạt vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh trong phạm vi 1.000km; xuyên thủng hầu hết các hệ thống phòng không. Chúng còn giúp tăng phạm vi tác chiến của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc lên hơn 2.500km; truy lùng được hàng loạt mục tiêu mặt đất hoặc trên không và có thể sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh.

    Đối với Mỹ, năm 2022, Lầu Năm Góc dành 3,8 tỷ USD để nghiên cứu công nghệ siêu thanh và dự kiến chi 4,7 tỷ USD trong năm 2023 để tiếp tục phát triển một số vũ khí siêu thanh thế hệ mới. Bên cạnh các tập đoàn tên tuổi trong lĩnh vực vũ khí, trang bị (Lockheed Martin, Raytheon…), nhiều công ty tư nhân của Mỹ cũng chạy đua phát triển công nghệ này. Đáng chú ý là Công ty Hermeus hiện đang sản xuất máy bay điều khiển từ xa Quarterhorse, có thể di chuyển với tốc độ siêu thanh; phiên bản đầu tiên trị giá 100 triệu USD dự kiến ra mắt vào năm 2023.

    Tác chiến điện tử và an ninh mạng

    Những năm gần đây, các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia khi tin tặc có thể đánh sập các cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc quốc gia. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner (Mỹ) dự báo đến năm 2025, những kẻ tấn công mạng sẽ vũ khí hóa công nghệ hoạt động nhằm gây hại, đe dọa tính mạng con người. Do đó, Quân đội các nước đang triển khai lực lượng và biện pháp nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng.

    Bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng

    Trong bối cảnh đó, tác chiến điện tử và thiết bị gây nhiễu liên lạc được chú trọng. Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống tác chiến điện tử CCS, hoạt động được trong không gian; có khả năng chặn hoàn toàn thông tin liên lạc vệ tinh của đối phương. Công nghệ của hệ thống này có thể ngăn chặn hiệu quả các thông tin liên lạc trên các tần số băng tần C, Ku và X; chặn truyền băng tần Ka. Lực lượng Không gian và Vũ trụ Mỹ vừa ký hợp đồng trị giá 120,7 triệu USD với Công ty L3Harris Technologies để tiếp tục nâng cấp các phiên bản CCS mới đến năm 2025, với yêu cầu tăng cường khả năng tự động hóa và tiết giảm năng lượng. Ngoài ra, tháng 1/2022, Hải quân Mỹ ký hợp đồng trị giá hơn 226 triệu USD với Raytheon Technologies (Mỹ) để chế tạo 5 thiết bị gây nhiễu điện tử tiên tiến NGJ-MB, lắp đặt trên các máy bay phản lực EA-18G Growler EW. Thiết bị này được trang bị kỹ thuật gây nhiễu chùm tia, có khả năng phá vỡ tín hiệu radar, hệ thống máy tính và thông tin liên lạc của đối phương.

    Công nghệ in 3D

    Công nghệ in 3D (công nghệ sản xuất đắp dần) gồm chuỗi các công đoạn được kết hợp để tạo ra một vật thể 3 chiều bằng cách đắp dần các lớp vật liệu theo từng lớp nhờ máy in 3D. Theo đánh giá, đây là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến gần 30%; có nhiều kỹ thuật mới, như: đùn vật liệu, quang trùng hợp, kết hợp bột…

    Công nghệ in 3D

    Công nghệ in 3D đang “cách mạng hóa” ngành công nghiệp quốc phòng trên thế giới, với những loại vũ khí, khí tài được tạo ra nhờ quy trình sản xuất đơn giản, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Theo đó, Quân đội Mỹ sử dụng in 3D để xây dựng doanh trại phục vụ huấn luyện; sản xuất các mẫu đạn dược mới, có vận tốc cao hơn, tầm bắn xa hơn và tăng khả năng xuyên phá; chế tạo vỏ xe tải quân sự từ mảnh vật liệu khổng lồ... Trung tâm Hàng không - Vũ trụ Đức phối hợp với Công ty SLM Solutions của nước này chế tạo thành công động cơ tên lửa BERTA bằng công nghệ in 3D. Động cơ này được sử dụng trong tên lửa Ariane của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), giúp giảm 30% trọng lượng tên lửa và tăng 20% hiệu quả tác chiến. Công ty Hàng không - Vũ trụ Orbex (Anh) cho ra mắt mẫu tên lửa thương mại đầu tiên chạy bằng nhiên liệu tái tạo và trang bị động cơ in 3D lớn nhất thế giới mang tên Orbex Prime. So với các loại tên lửa thông thường, tên lửa này có khối lượng nhẹ hơn và hiệu suất cao hơn; chịu được nhiệt độ cực cao; sử dụng nhiên liệu propan sinh học, cắt giảm tới 90% lượng carbon phát thải...

    Định hướng công nghệ năng lượng 

    Được phát triển từ những năm 2000, vũ khí năng lượng định hướng sử dụng công nghệ chuyển đổi năng lượng điện hoặc hóa học thành năng lượng bức xạ tập trung, như: tia laser, thiết bị vi sóng năng lượng cao, vũ khí chùm hạt. Những năm gần đây, nhờ cải tiến công nghệ, vũ khí năng lượng định hướng ngày càng trở nên nhỏ gọn và nhẹ hơn, có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với quỹ đạo bắn gần như hoàn hảo.

    Các công nghiệp năng lượng 

    Theo báo cáo, thị trường vũ khí năng lượng định hướng hiện có giá trị 4,3 tỷ USD và sẽ đạt 10,1 tỷ USD vào năm 2026; tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt gần 19%. Gần đây, Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) đã triển khai lắp đặt hệ thống vũ khí laser chiến lược HELIOS trên các tàu khu trục của Hải quân Mỹ. Đây là hệ thống giám sát bằng chùm tia laser công suất 60kW, có khả năng phá hủy máy bay không người lái, tàu thuyền cỡ nhỏ; đánh lạc hướng các hệ thống cảm biến quang học và dẫn đường tên lửa. Theo dự kiến, năm 2030, Quân đội Mỹ sẽ được trang bị vũ khí năng lượng định hướng với các chùm tia laser công suất lên tới 1 MW. Đáng chú ý, lực lượng Vũ trụ Mỹ hiện đang phát triển loại vũ khí năng lượng định hướng để sử dụng ngoài Trái Đất, với tham vọng đạt được “sự thống trị trong không gian” trong tương lai không xa.

    Tuy nhiên khoa học quân sự trong quốc phòng luôn là một tấm màn bí mật. Tiềm ẩn các giá trị răn đe, hủy diệt, thậm chí cả phô trương. Những cuộc chạy đua vũ trang vũ trang tuy là một sân chơi tốn kém, nhưng ở góc độ khác, nó mang lại lợi nhuận khủng cho các tập đoàn của một số số quốc gia phát triển.

    Nguồn: Cơ khí và đời sống

    Bài viết mới

    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    Hotline